Thiết bị này có thể xem như một chiếc One X dòng cao cấp nhất với vi xử lí được nâng cấp, pin tăng dung lượng thành 2100mAh, camera trước được cải tiến, bộ nhớ trong chỉ có dung lượng 64GB và chạy trên hệ điều hành Android 4.1 với giao diện Sense 4+.Máy có một vài điểm nhấn nhẹ màu đỏ về mặt so với người tiền nhiệm của mình, trong khi vẫn giữ nguyên lớp vỏ polycarbonate và màn hình 4,7" độ phân giải HD ở mặt trước. Liệu One X+ có phải là một bản kế nhiệm đáng giá so với One X? Mời các bạn tiếp tục đọc bài viết sau.
Thiết kế và phần cứng
Với thiết kế vỏ nhựa nguyên khối, One X+ mang lại một cảm giác cực kì chắc chắn và đầm tay mặc dù kích cỡ hơi lớn một chút. Trọng lượng của máy là 135g, nặng hơn một chút so với con số 130g của One X nhưng hầu như bạn sẽ không cảm thấy rõ ràng sự khác biệt này khi cầm cả hai chiếc trên tay. One X+ chỉ có duy nhất màu đen chứ không có hai bản trắng và đen xám như HTC One X, tuy nhiên màu đen này thuộc dạng mờ và lớp hoàn thiện bên ngoài được làm mềm mại chứ không trơn nhẵn như người tiền nhiệm. Khi sờ vào đây bạn sẽ cảm thấy giống như One X+ đang được khoác lên một lớp nhung, và cá nhân mình rất thích việc này.
One X+ được thiết kế dạng cong và nhìn vẫn mang đậm chất HTC. Máy có xu hướng cong lại từ hai đầu như một cánh cung. Mặt kính tràn hẳn ra tận hai viền bên của máy và hơi bo tròn ở cạnh giúp cho chúng ta có một cái nhìn rất lạ từ trước đến và không bị cấn tay trong quá trình sử dụng. Có thể thấy HTC vẫn duy trì những đường cong này từ One X nhưng không làm mất đi vẻ nam tính của thiết bị. Độ mỏng 8,9mm của máy cũng làm One X+ trở nên "sexy" hơn.
Ở mặt trước của máy vẫn là một lớp kính lớn và đây là Gorilla Glass 2, một điểm cải tiến so với Gorilla Glass nguyên thủy ở One X. Ở phía trên chúng ta có logo HTC, một dãy loa với các lỗ đục rất nhỏ và camera trước. Bên dưới lớp loa này còn có một chiếc đèn LED khác làm nhiệm vụ thông báo khi có cuộc gọi nhỡ, tin nhắn, khi đang sạc pin,…
Xuống phía dưới là ba phím cơ bản bao gồm Back, Home và Recent Apps. Nếu như ở One X, ba phím này có màu trắng thì lên đến One X+, HTC đã đổi chúng sang màu đỏ, cùng tông màu với logo của hãng âm thanh Beats Audio mà HTC đang hợp tác. Trước đây HTC đã từng một lần làm phím điều hướng đỏ như thế này cho chiếc Sensation XE. So với phím trắng thì phím đỏ nhìn khá chìm, tuy nhiên khi đèn nền bên dưới bật sáng thì chiếc điện thoại của chúng ta hoàn toàn nổi bật.
Ở mặt sau của One X+ một số điểm thay đổi nhỏ so với chiếc smartphone được ra mắt hồi tháng 2 vừa qua. Bạn vẫn có thể tìm thấy cụm camera tròn với đèn flash LED, tuy nhiên xung quanh camera được sơn một viền đỏ nên cho cảm giác máy ảnh của One X+ bị nhỏ lại. Logo HTC thì nằm chính giữa, xuống một chút là năm chân tiếp xúc để máy kết nối với dock, logo Beats và loa ngoài. Logo này được làm to hơn, dòng chữ "Beats Audio" trên One X cũng đã bị loại bỏ. Mặt sau này vì có lớp sơn mờ nên nhìn khá "ngầu", tuy nhiên nó cực kì dễ bám dấu tay, đặc biệt là với những người thường bị đổ mồ hôi như mình.
Có lẽ bạn nên đem theo một chiếc khăn nhỏ để lau cho máy nhìn đỡ dơ nếu bị bám vân nhiều quá. Mặt sau này không có nắp nên bạn sẽ không thể tự mình thay pin cho máy. One X+ cũng không có khe mở rộng thẻ nhớ microSD. HTC nói hãng đã thêm vào một bộ khuếch đại âm cho loa ngoài của One X+, và khi thử nghiệm thì mình thấy rằng tiếng trong trẻo và hay hơn One X, tuy nhiên mức độ khác biệt thì không quá nhiều.
Hai cạnh bên vẫn giữ nguyên như trên One X với cạnh trái có cổng microUSB, cảnh phải có phím tăng giảm âm lượng. Như đã nói ở trên, hai cạnh bên này được vát cong nhẹ nên khi cần cho cảm giác rất thoải mái, đồng thời giúp bạn giữ thiết bị chặt hơn trong lòng bàn tay.
Tương tự như vậy, cạnh trên của One X+ có nút nguồn kiêm tính năng mở khóa màn hình được xi đen bóng, jack cắm tai nghe 3,5mm, một lỗ micro và khay microSIM. Cạnh dưới máy có thêm một chiếc micro khác nữa. Nói về nút nguồn, bạn sẽ cảm thấy hơi khó nhấn một so chút vì HTC đặt nó hơi nghiêng, do đó ngón tay của chúng ta sẽ bị vướng vào phần cạnh bo trước khi chạm được tới nút. Nếu ngón tay bạn hơi ngắn thì vấn đề càng trầm trọng hơn nữa.
Màn hình
HTC trang bị cho One X+ tấm nền Super IPS LCD 2, 4,7", độ phân giải 720x1280; sử dụng lớp kính cường lực Gorilla Glass 2. So với chiếc One X thì chỉ có mỗi lớp kính Gorilla Glass là được nâng cấp, các thông số còn lại giữ nguyên. Màn hình trên One X+ vẫn tiếp tục duy trì được chất lượng rất cao như người anh em One X của mình với màu sắc rực rỡ, hình ảnh trong trẻo. Thật không ngoa khi nói màn hình của One X và One X+ là một trong những màn hình smartphone tốt nhất đến thời điểm hiện tại. Với mật độ điểm ảnh là 312ppi, hình ảnh trên máy hoàn toàn mịn màng và sắc nét , kể cả khi nhìn ở khoảng cách bình thường hay lúc dí sát mắt vào. Độ nổi của hình ảnh cũng rất lớn, khi sử dụng One X và One X+ mình có cảm giác như icon và chữ được in thẳng lên phía trên mặt màn hình, rất đẹp.
Lúc sử dụng ngoài trời, khả năng tự động điều chỉnh độ sáng của One X+ hoạt động tốt vì có thể nhanh chóng tăng độ sáng lên, giúp việc theo dõi nội dung được dễ dàng hơn và độ trễ chỉ tầm 1 giây mặc dù mình mới bước từ trong nhà ra đường. Có vẻ như HTC đã làm cho lớp kính và lớp hiển thị gần lại nên mức độ phản chiếu cũng vì thế mà giảm đi.
Máy ảnh
Camera phía sau của One X+ vẫn có độ phân giải 8 megapixel tương tự như One X, giao diện của ứng dụng máy ảnh cũng chỉ được thay đổi nhẹ và không có nhiều khác biệt trong quá trình sử dụng so với chiếc One X. Ảnh chụp từ camera này rất tốt trong điều kiện đủ sáng hoặc khi bạn chụp ngoài trời, còn khi chụp thiếu sáng hoặc ghi hình ban đêm thì chất lượng giảm xuống kha khá, hình ảnh bị nhiễu tương đối và không còn sắc nét như trước, hoàn toàn tương tự tình trạng diễn ra trên chiếc One X.
Tuy nhiên, các ảnh thiếu sáng này vẫn hoàn toàn dùng được, và tình trạng được cải thiện nhiều hơn nếu dùng đèn flash để trợ sáng. Một lợi điểm của ống kính khẩu f/2.0 và cảm biến BSI đó là bạn có nhiều ánh sáng hơn đến bề mặt thu nhận tính hiệu hình ảnh, do đó tốc độ chụp không bị giảm xuống quá chậm, hạn chế tình trạng run tốt hơn nhiều so với một số smartphone khác trên thị trường.
Camera của One X+ nhanh hơn tương đối nhiều so với người tiền nhiệm. Khi chụp liên tục (nhấn giữ phím camera), chiếc One X+ chỉ mất khoảng chừng 3 đến 3 giây rưỡi để ghi xong tất cả 20 ảnh, trong khi mình thử nghiệm với One X thì phải mất khoảng 5 đến 6 giây máy mới hoàn thành tác vụ này. Tốc độ lấy nét cũng nhanh hơn đáng kể, đặc biệt là khi thử nghiệm việc lấy nét bằng cách chạm tay vào một điểm nào đó trên màn hình thì máy phản hồi nhanh hơn thấy rõ.
Hình chụp thử từ HTC One X+
Điểm cải tiến về mặt máy ảnh trên One X+ không phải nằm ở camera sau mà chủ yếu là ở phía trước. Camera phụ độ phân giải 1,3MP của One X được nâng lên thành 1,6MP. Tuy nhiên, ảnh kết qua cho ra thì vẫn là 1280 x 720 pixel. HTC đã đưa vào camera trước đó là con chip xử lí HTC ImageChip. Kết hợp cùng với cảm biến mới, hình ảnh cho ra đẹp hơn nhiều so với One X, nước ảnh trong trẻo hơn, màu sắc chân thực hơn và ảnh nét hơn. Với Sense 4+ trên One X+, bạn sẽ có thêm bộ đếm lùi thời gian khi chụp ảnh bằng camera trước, vì vậy việc "tự sướng" trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tư thế chụp cũng sẽ đẹp hơn vì bạn có thời gian để chỉnh sửa trước khi máy ghi nhận hình ảnh.
Khả năng quay phim của One X+ ở mức chấp nhận được, tốc độ khung hình được nâng từ 24fps trên One X lên thành 30fps. Hình ảnh trong video cho màu sắc trung thực, hình ảnh sắc nét, rõ ràng. Bạn cũng có thể vừa chụp ảnh ngay trong khi quay phim, do đó có thể an tâm rằng bạn sẽ không phải bỏ lỡ bất kì khoảng khắc nào cũng như suy nghĩ về việc nên chụp hay nên quay. Tuy nhiên, video kết quả quay ở độ phân giải Full-HD 1920 x 1080 hơi giật chứ không được mượt mà lắm. Bạn có thể xem ở bên dưới.
Hiệu năng và mức độ hiệu dụng
So với One X, một trong những điểm nhấn mà HTC đã đề cập đến khi ra mắt One X+ đó là vi xử lí mới. Hãng trang bị cho chiếc điện thoại của mình SoC NVIDIA Tegra 3 mã hiệu AP37 và hoạt động ở xung nhịp 1,7GHz, mạnh hơn so với AP33 1,5GHz của One X. Vi xử lí này vẫn bao gồm bốn nhân chính đảm đương các công việc nặng như xử lí hình ảnh, đồ họa, chơi game,… và một nhân thứ 5 để điều khiển máy làm các tác vụ nhẹ nhàng hơn như gọi điện, nhắn tin, lướt web cơ bản. GPU của AP37 cũng được nâng xung từ 416MHz lên 520MHz.
Dung lượng RAM vẫn giữ nguyên 1GB, trong khi các đối thủ như Galaxy Note II, Optimus G đã vượt lên con số 2GB. Có một câu hỏi mà mình thắc mắc, đó là vì sao HTC không mang chip Snapdragon S4 Pro vốn có hiệu năng mạnh hơn và mức độ tiêu thụ pin tốt hơn so với NVIDIA Tegra 3 lên One X+, vì đây chỉ là một đợt nâng cấp nhẹ cho One X? Hay là hãng đang chuẩn bị một thiết bị đỉnh cao nào đó? Thôi thì đành phải chờ thời gian trả lời vậy.
Khi tiến hành benchmark One X+ bằng Antutu 3D Marking, máy cho điểm số khá tốt, 3408 điểm, chỉ thua Galaxy Note II chạy chip Exynos 4 của Samsung và Optimus G chạy vi xử lí Qualcomm Snapdragon S4 Pro, cả hai đều là bốn nhân. Kết quả benchmark bằng phần mềm Antutu, One X+ được chấm 12.025 điểm, thua 1475 so với Galaxy Note II.
Kết quả Geekbench thì One X+ không được tốt lắm khi chỉ ghi được 1364 điểm, trong khi Samsung Galaxy S III, Galaxy Note II cao hơn khoảng 300 đến 600 điểm, một khoảng cách khá xa. Chỉ có ở lần đo bằng Quadrant thì One X+ mới vươn lên dẫn đầu bảng trong các thiết bị được mang ra so sánh. So với HTC One X, tất cả các điểm số benchmark của One X+ đều cao hơn, một điều đương nhiên vì hãng đã nâng cấp cấu hình cho thiết bị của mình. Chi tiết điểm của nhiều phép benchmark bạn có thể xem loạt ảnh trong Galleria ngay bên dưới.
Trên đây là hàng loạt điểm số benchmark bằng các phần mềm, còn trải nghiệm thực tế thì sao? One X+ được cài đặt sẵn Android 4.1.1 Jelly Bean, kèm theo đó là giao diện HTC Sense 4+. So với Android 4.0 thì Jelly Bean được nâng cấp bởi project butter, một dự án được áp dụng để tăng tốc độ thực thi cho hệ thống, giúp máy chạy mượt mà và nhanh chóng hơn.
Thật vậy, khi dùng thử One X (Android 4.0) và One X+ (Android 4.1), bạn sẽ thấy độ trễ nhỏ trên chiếc smartphone đời trước, trong khi One X+ thì không gặp phải vấn đề gì. Với một chiếc One X đã lên Android 4.1 thì One X+ vẫn nhanh hơn chút đỉnh do cấu hình mạnh hơn. Thao tác mở ứng dụng, lướt web, xem phim, chụp hình, ghi chú, chuyển giữa các màn hình chính với nhau,… đều có thể thực hiện thật trơn tru. Nói cách khác, việc hệ thống bị chậm và đứng sẽ không phải là một mối lo ngại với One X+.
Về phần giao diện Sense 4+, nếu so với Sense 4.0, 4.1 thì mình có cảm giác nó nhẹ nhàng hơn, máy chạy không còn hiện tượng lâu lâu bị đứng hoặc đơ. Nhiều tính năng của Sense 4+ và cả Android 4.1 trên One X+ mình đã nói đến trong một bài viết riêng, mời các bạn theo dõi. Cảm nhận chung là Sense 4+ đổi sang tông màu xanh dương nhạt, nhìn máy thanh hơn, sang trọng hơn. Nhiều cải tiến khác cũng được HTC mang vào bộ giao diện của riêng mình để viêc sử dụng máy của chúng ta được nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Thời lượng dùng pin
One X bị than phiền rất rất nhiều vì thời lượng dùng pin không tốt, nếu không muốn nói là quá tệ. Lên đến One X+, HTC đã khắc phục được phần nào tình trạng này bằng cách nới dung lượng pin ra thêm 300mAh, từ 1800mAh lên 2100mAh. Khi sử dụng bình thường, bao gồm nghe gọi khoảng 5 cuộc, mỗi cuộc chừng 1 đến 2 phút, vào 3G liên tục để push mail từ ba hộp thư Gmail và Yahoo, check Facebook notification, nhắn khoảng 10 tin nhắn, vào Wi-Fi liên tục khoảng 7 giờ, trong đó có một giờ lướt web, cài app, nghịch linh tinh, vào lúc 12 giờ tối thì máy vẫn còn 20% pin. Trong khi đó, với cùng mức độ sử dụng như trên, One X đến 8 hoặc 9 giờ tối là hết sạch, mặc dù cả hai đều đầy pin 100% lúc 7h sáng.
Nếu mình lướt web 3G nhiều thì máy nóng lên khá nhanh, lúc thử nghiệm chụp ảnh cũng như thế, tuy nhiên độ nóng thì có đỡ hơn One X. Nhìn chung, viên pin của One X+ có thể dễ dàng đáp ứng được các nhu cầu thường nhật mà bạn cần trên một chiếc điện thoại với thời lượng khoảng 1 ngày, còn nếu để xem phim hay chơi game thì pin xuống rất nhanh đấy nhé. Thời lượng dùng pin của One X+ mặc dù có tốt hơn One X nhưng vẫn thua một chút so với các smartphone cao cấp khác mình từng dùng qua như Galaxy S III, LG Optimus G.
Kết luận
Điểm mạnh:
Điểm Yếu:
Camera của One X+ hoạt động nhanh hơn vì có vi xử lí nhanh hơn, tuy nhiên chất lượng ảnh thì gần như tương đương với người tiền nhiệm ngoại trừ camera trước được cải tiến khá nhiều. Nhờ có hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean mà One X+ chạy mượt mà, nhanh chóng, có thể đáp ứng ngon lành tất cả những yêu cầu của bạn.
Tuy nhiên, thời lượng dùng pin chưa có một bước nhảy vọt đáng kể nào so với One X mặc dù dung lượng pin đã được tăng lên 300mAh. Nếu bạn chưa từng sở hữu One X và muốn mua một chiếc smartphone mạnh, đẹp, hãy nghĩ đến One X+. Còn nếu trong tay bạn đang là One X thì không nhất thiết phải chi tiền ra để có được One X+ đâu, thay vào đó bạn hãy chờ một siêu phẩm khác của HTC ra mắt thì tốt hơn, lại tiết kiệm được tài chính nữa.