Hồi đầu năm nay LG đã ra mắt một dòng điện thoại mới của mình nhắm đến phân khúc bình dân và tầm trung, đó là Optimus L-Series với ba mẫu L3, L5 và L7. Đến cuối tháng 8 vừa rồi, hãng lại tiếp tục giới thiệu thêm một thành viên mới nhất của dòng máy này, đó là Optimus L9.
Đây có thể xem làmột phiên bản thu gọn của Optimus 4X HD với nhiều điểm tương đồng trong thiết kế, màn hình nhưng có cấu hình và mức giá thấp hơn (Optimus L9 chính hãng có giá khoảng 8 triệu đồng). Liệu đây có phải là một thiết bị tốt so với giá tiền của nó hay không? Mời các bạn tiếp tục theo dõi bài đánh giá sau.
Lần đầu tiên được nhìn thấy Optimus L9, lời đầu tiên mình thốt ra đó là mặt trước của nó sao giống Optimus 4X HD quá. Ngay cả khi cầm trên tay thì cảm giác cũng tương tự, một cảm giác cao cấp, sang trọng nhưng không kém phần thời trang. Máy khá vuông vức, chỉ được bo nhẹ ở bốn góc máy giúp mang lại sự mạnh mẽ cho thiết bị (nhìn tương tự như Optimus L7), và đây là một trong số ít những thiết bị tầm trung mà mình thấy nó đẹp như thế này. Vẻ thuôn dài của L9 giúp mình cầm chặt thiết bị trong tay và dễ dàng thao tác hơn một số smartphone khác cũng có màn hình 4,7", trong khi nếu chỉ nhìn qua thì mình tưởng rằng nó to lắm và cầm sẽ bất tiện. Máy nhẹ hơn 4X HD khá nhiều (trọng lượng là 125g, so với 4X HD là 148g) và vẫn mang lại cảm giác mảnh mai với độ dày 9,1mm.
Xuống phần dưới là ba phím chức năng cơ bản của Android, trong đó phím Back và Menu được làm dạng phím cảm ứng, còn Home thì là một phím cứng hình hình chữ nhật bo tròn bốn góc và dài ngang ra. Hai phím cảm ứng nhìn giống y hệt chiếc 4X HD, còn phím chữ nhật này tương tự như mẫu L7. Phím Home này hơi cứng, khi nhấn có phát ra một tiếng cạch nhỏ nên mình chưa vừa lòng lắm với điểm này. Ngoài ra, do từ trước đến nay mình quen dùng thiết bị Android có các phím chức năng hoặc hoàn toàn cảm ứng, hoặc hoàn toàn nút cứng, do đó thời gian đầu sử dụng L9 mình hay bị tình trạng nhấn nút Home mà chỉ dùng lực rất nhẹ giống khi nhấn nút Back, và tất nhiên là không cách gì ăn xuống được. Tuy nhiên cũng chỉ cần làm quen khoảng vài giờ là ổn.
Phần mặt nắp sau của L9 có những đường vân chống trầy, tuy nhiên những vân này dạng ô caro nhỏ chứ không phải sọc chéo như 4X HD. Ngoài tác dụng này ra thì mặt nắp sau của L9 còn các tác dụng giúp máy bám tay hơn, do đó những ai thường hay bị đổ mồ hôi tay sẽ không bị tình trạng trơn trượt khi cầm một chiếc máy tương đối lớn như L9. Phần giáp với hai cạnh bên được LG thiết kế hơi cong một chút, điều không thấy trên 4X HD. Tại đây chúng ta cũng có thể thấy được camera 8 megapixel, đèn flash LED, logo LG và loa ngoài.
Chạy dọc phần cạnh thiết bị là hai dải băng màu bạc, tuy nhiên nó nhìn nó không sang trọng như hai dải băng của Optimus 4X HD vì được sơn mờ chứ không phải là xi bóng và chúng cũng dày hơn trên người anh em cao cấp. Vì được làm khá phẳng nên tác dụng bám tay của hai dải băng này đã không còn công hiệu như 4X HD. Tuy nhiên, nó vẫn mang lại cho Optimus L9 một vẻ đẹp rất riêng mang đậm phong cách của các máy LG 2012. Ở cạnh trái chúng ta có thêm một nút nguồn, cạnh phải nút tăng giảm âm lượng. Nút nguồn này hơi khó nhấn vì kích thước nhỏ, mặc dù việc bố trí nó ở cạnh bên là một điểm đáng hoan nghênh vì chúng ta có thể với tới nó nhanh và thuận tay hơn là nút ở cạnh trên như nhiều nhà sản xuất vẫn thường hay làm. Có một vài lần mình nhấn thì nút này lún vào luôn, máy liên tục báo hộp thoại để tắt máy, phải chạm nhẹ vào cho nó bung ra lại.
Cạnh trên của máy chúng ta có jack tai nghe 3,5mm, gần đó là micro phụ. Cạnh trên này theo mình là không đẹp vì phần jack 3,5mm lấn xuống dải băng bạc một chút nên dải này bị khuyết đi một phần, trong khi ở phía trên cổng kết nối vẫn có đủ không gian để LG dịch lên một chút. Cạnh dưới đơn giản với cổng microUSB và micro chính để phục vụ cho việc đàm thoại.
Màn hình
LG trang bị cho Optimus L9 một màn hình 4,7" sử dụng tấm nền IPS, gần giống với 4X HD, tuy nhiên độ phân giải chỉ là qHD 540 x 960 chứ không phải là 720 x 1280. Bởi kích thước đường chéo khá lớn, trong khi độ phân giải chỉ ở mức trung cấp hiện nay nên đã làm cho hình ảnh trên L9 nhìn rỗ hơn và không được mịn màn, sắc nét như 4X HD (mật độ điểm ảnh của L9 là 234ppi, 4X HD là 312ppi). Về góc nhìn thì vẫn tương tự nhờ có công nghệ IPS, bạn có thể nghiên điện thoại và nhìn ở một góc khá rộng mà hình ảnh vẫn cho màu sắc tốt chứ không bị biến đổi. Mức độ tái tạo màu của màn hình trên L9 khá tốt, mặc dù nhìn không đã bằng Optimus 4X HD.
LG nói độ sáng màn hình này là 450-nit và có thể dùng ngoài trời khá thoải mái và điều này hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, nhược điểm nằm ở việc máy không có chế độ tự điều chỉnh độ sáng màn hình, do đó bạn phải sử dụng thanh kéo brightness mỗi khi từ nhà bước ra ngoài đường, điều này rất bất tiện. Mình có đọc tài liệu mà LG đăng trên web của họ thì thấy ghi là máy có cảm biến ánh sáng mà không biết tại sao lại không có tùy chọn auto brightness.
Camera trên Optimus L9 ở Việt Nam có độ phân giải 8 megapixel (ở nước ngoài chỉ là 5 megapixel), hỗ trợ tự động lấy nét và có đèn flash LED trợ sáng. Chất lượng máy ảnh này chỉ ở mức khá, đủ để dùng cho nhu cầu thường ngày. Trong điều kiện đủ sáng, ảnh cho ra sắc nét, tuy nhiên màu sắc hơi nhạt một chút trong một vài trường hợp. Còn trong môi trường thiếu sáng thì hình camera lấy nét chậm, hình ảnh chụp ra tối và bị hạt khá nhiều.
Bù lại, LG trang bị cho chúng ta khá nhiều tính năng phụ trợ, chẳng hạn như ba chế độ chụp ảnh Bình thường, Panorama và Chụp liên tiếp. Những chế độ này nhìn chung tốt, hoạt động hiệu quả và giúp đỡ khá nhiều cho chúng ta trong việc ghi lại các khoảnh khắc vô giá. Khi chọn chụp liên tục, máy sẽ ghi lại 6 bức ảnh trong khoảng thời gian tầm 1,5 ~ 1,8 giây. Tốc độ này tương đối nhanh và đủ để bạn ghi lại những pha hành động, chuyển động nhanh rồi sau đó bạn có thể chọn lấy một tấm mình ưng ý nhất. Khả năng chụp panorama cũng khá tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn lựa các hiệu ứng hình ảnh khác nhau như mắt to, miệng to, nền disco, nền không gian,...
Để kích hoạt tính năng chụp ảnh trên LG Optimus L9, chúng ta có ba cách: sử dụng phím ảo trên màn hình, nhấn nút tăng hoặc giảm âm lượng và bằng giọng nói. Hai tính năng sau giống với chiếc LG Optimus G, model mạnh nhất của LG hiện nay nhưng chưa có bán chính thức tại Việt Nam. Có một điểm mình chưa hài lòng đó là khả năng kích hoạt bằng giọng nói nhạy quá, nhiều khi mình chả nói gì, chỉ có chiếc xe chạy ngang qua thôi mà máy cũng chụp ảnh, hoặc có tiếng nhạc thì máy cũng chụp, trong khi đáng lý ra người dùng phải nói một trong những từ như Cheese, LG, Smile.
Khả năng quay video của L9 cũng tương tự như chụp ảnh. Mặc dù nó có thể ghi được hình ảnh ở độ phân giải Full-HD 1080p nhưng màu sắc nhìn không đẹp, độ bão hòa màu và tương phản ở mức trung bình. Đôi khi đang quay ảnh bị tối lại mặc dù khu vực mình đang đứng rất đầy đủ sáng. Giống 4X HD hay Optimus G, L9 hỗ trợ việc chụp ảnh ngay trong lúc quay phim, do đó bạn sẽ không phải suy nghĩ xem nên chụp hay nên quay phim. Tất nhiên bức ảnh ghi ra chỉ có độ phân giải 1920 x 1080 mà thôi, nhưng cũng đủ dùng để chia sẻ trên các mạng xã hội hay email rồi.
Thời lượng pin
LG Optimus L9 có thời lượng dùng pin khá tốt với viên pin dung lượng lên đến 2150mAh và sử dụng vật liệu SiO+, cùng loại pin được sử dụng trong Optimus 4X HD. LG cho biết rằng nhờ có vật liệu mới mà pin Li-ion của họ có thể tăng mật độ năng lượng lưu trữ trên một đơn vị diện tích, nhờ đó công ty có thể chế tạo pin mỏng hơn trong khi vẫn gia tăng được dung lượng.
Trong thử nghiệm sử dụng ở mức độ tương đối nhiều, bao gồm việc mở 3G liên tục để push tin từ ba hộp thư Gmail, Facebook, đồng bộ nền cũng mở, duyệt web 3G khoảng 1 tiếng, duyệt web Wi-Fi 1 tiếng, chat Yahoo Messenger tầm 1,5 giờ, nghe nhạc bằng loa ngoài 30 phút, cài và dùng nhiều app, L9 có thể trụ được khoảng 14 giờ (lúc đó nó còn 24% pin), dư sức cho một ngày làm việc bắt đầu từ 7 giờ sáng. Còn nếu bạn chỉ sử dụng pin cho nhu cầu bình thường như gọi, nhắn tin, duyệt web 3G và push mail, sync thì máy có thể dễ dàng đạt thời gian dùng 1 đến 1,5 ngày, tất cả đều để độ sáng là 70%.
Hiệu năng, độ mượt mà
L9 sử dụng vi xử lí hai nhân TI OMAP 4430, hai nhân, xung nhịp 1GHz, RAM 1GB DDR2 và có bộ nhớ trong là 4GB. Cấu hình này, như mình đã nói lúc đầu, chỉ nằm ở tầm trung trên thị trường smartphone hiện nay. Khi tiến hành benchmark, đúng với cấu hình của mình, máy cho điểm số chủ yếu ở mức tầm trung so với các thiết bị có trong cơ sở dữ liệu benchmark của Tinh tế. Nói đúng ra thì CPU, GPU và RAM của máy không phải thuộc loại sát thủ để cạnh tranh gay gắt với những đối thủ mạnh mẽ khác nên thông số benchmark bên dưới chỉ mang tính tham khảo, phần cảm nhận thực tế hiệu năng của máy mới thật sự quan trọng hơn.
Về mặt cảm nhận thực tế, tốc độ xử lí của L9 tương đối ổn. Máy chạy nhanh, mượt mà lúc bình thường. Khi sử dụng đa tác vụ bao gồm việc chat Yahoo, lướt Facebook, lướt web và email, máy hơi giật và chậm lại một chút. Ngoài ra, ở màn hình chủ, khi duyệt giữa những trang màn hình chủ với nhau đôi khi xuất hiện độ trễ nhỏ, tuy nhiên tình trạng này không xảy ra thường xuyên lắm. Nhìn chung với một cấu hình như vậy thì mức độ hiệu dụng trên L9 là chấp nhận được, và chắc chắn chúng ta không thể so nó với những model cao cấp khác như 4X HD hay Optimus G rồi. Dung lượng bộ nhớ trong của thiết bị là 4GB, hơi ít một chút nếu bạn muốn mang theo cả thư viện nhac hay phim để thưởng thức trên máy. Tuy nhiên L9 có khe cắm thẻ microSD nằm bên dưới khay SIM nên đây không phải là vấn đề quan trọng lắm.
Optimus L9 chạy trên Android 4.0 với giao diện LG Optimus UI 3.0, giống với 4X HD. Phần giao diện này mình đã có đánh giá chi tiết hồi thử nghiệm Optimus 4X HD, anh @vuhai6 cũng có một bài riêng viết về những tính năng hay của Optimus UI 3.0 nên ở đây mình sẽ không đề cập nhiều về nó, chỉ nhận xét tổng quan rằng đây là một giao diện đẹp, đơn giản nhưng vẫn đủ sức thu hút người dùng. Khả năng tùy biến cao của Optimus UI 3.0 phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau, từ các bạn trẻ thích tông màu nhí nhảnh cho tới những người lớn hơn thích giao diện sang trọng, chuyên nghiệp. Hệ điều hành Android 4.0 với một số tính năng hấp dẫn như mở khóa bằng khuôn mặt, thanh thông báo đa dạng và phong phú hơn, hệ thống chạy nhanh và mượt mà hơn. Bên cạnh đó, LG còn có hai ứng dụng khá hay là Quick Translator và Quick Memo.
App Quick Memo thì sẽ giúp bạn ghi chú nhanh. Khi đang ở bất kì phần mềm nào, bạn có thể nhấn vào phần lồi giữa hai phím âm lượng để kích hoạt nhanh QMemo. Tại đây bạn có thể tạo một lớp ghi chú lên trên những gì đang xuất hiện ở màn hình hoặc viết ghi chú trên một nền trống. Ngoài ra, bạn cũng có thể khởi chạy QMemo thông qua QuickSettings của thanh Notification nữa. Tính năng này đã có mặt trên Optimus 4X HD.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng bàn phím mặc định của LG, bạn sẽ có hai chế độ thu gọn bạn phím. Bình thường, các phím sẽ trải dài ra khắp màn hình. Khi bạn cần thao tác bằng một tay, hãy trượt một ngón tay sang trái hoặc phải, bạn sẽ thấy các phím được dồn hẳn sang một bên, tất nhiên là kích thước nhỏ lại một chút. Mình rất thích việc này, vì mỗi khi cần sử dụng một tay thì chỉ việc trượt một cái là xong.
Kết luận
Điểm mạnh:
Điểm yếu:
Hệ điều hành ổn định, kết hợp với màn hình cho góc nhìn và màu sắc tốt chính là những điểm mạnh giúp L9 khác biệt so với những đối thủ tầm trung khác. Tuy nhiên, phím Home còn cứng nên mang lại cảm giác chưa thoải mái cho người dùng. Độ phân giải ở chưa cao trong khi màn hình thì có kích thước to nên chúng ta thấy hiện tượng rỗ, chất lượng camera cũng chỉ dừng lại ở mức bình thường. Tóm lại, nếu bạn thích một chiếc máy tốt, đẹp, pin lâu nhưng có hầu bao không rộng rãi lắm thì LG Optimus L9 hoàn toàn xứng đáng nằm trong danh sách lựa chọn của bạn.