Nokia Lumia 630 ra mắt với điểm nổi bật là chiếc điện thoại đầu tiên được sử dụng Windows Phone 8.1 đi kèm mức giá rẻ, từng được mệnh danh là một sản phẩm thấu hiểu thị trường của Microsoft
Ưu điểm:
- Thiết kế trẻ trung năng động.
- Màn hình chống xước và hiển thị dưới nắng rất tốt.
- Pin dung lượng lớn cho phép máy hoạt động nặng hơn 1 ngày.
- Là sản phẩm đầu tiên được sử dụng Windows Phone 8.1 chính thức.
Nhược điểm:
- Việc bở cụm cảm biến mặt trước còn gây nhiều phiền toái.
- Camera không nổi bật.
- Windows Phone còn nhiều lỗi vụn vặt
Lumia đã rất thành công khi tung ra tại thị trường Việt Nam 2 dòng sản phẩm giá rẻ là 520 và sau đó là 525 với mục đích tìm lại ánh hào quang còn lại của một thương hiệu đã ăn sâu vào trong trái tim những người yêu công nghệ tại Việt Nam. Điều kì diệu cũng đã trở lại với Nokia khi mà số lượng Lumia 520 đạt tới con số ít ai có thể nghĩ tới trong thời điểm ông trùm công nghệ của thập kỷ trước chuẩn bị lụi tàn.
Sự thành công của Lumia 520 đã khiến Nokia phục sinh ít nhất là tại Việt Nam, tiếp theo đó là sự ra đời của Lumia 525 với đôi chút cải tiến và mới đây là Lumia 630, một sản phẩm cao cấp hơn 525 được tung ra có thể là bước tiếp theo để kéo dần tên tuổi của Nokia về lại phân khúc cao cấp dù cho hiện tại thương hiệu đã rơi vào túi của ông lớn Microsoft.
Nằm ở phân khúc bình dân với mức giá khoảng 3,5 triệu đồng nhưng Lumia 630 lại trở thành chiếc Smartphone đầu tiên trên thế giới chính thức được sử dụng Windows Phone 8.1 do có sự hậu thuẫn của ông chủ mới. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem với mức giá kể trên thì Lumia 630 có thực sự mang lại cuộc cách mạng tiếp theo cho Nokia trong những năm đầu lệ thuộc vào đế chế Microsoft?
Thiết Kế
Đầu tiên chúng ta sẽ nói về phần vỏ bên ngoài, vỏ ngoài của Lumia 630 được bán ra tại Việt Nam hiện có đôi chút khác biệt so với thế giới đó là ở những chiếc vỏ 2 lớp mới mà Nokia gọi là vỏ 2K, trên thực tế đây là một loại vỏ có 2 lớp, 1 lớp nhựa màu đặc nằm bên trong ôm sát vào thành máy và bên ngoài được phủ một lớp nhựa cùng màu nhưng ở dạng trong suốt nên loại vỏ này gây được sự chú ý rất cao từ những người trẻ tuổi bởi màu sắc rất nổi bật.
Cũng đã từng có rất nhiều người nói với chúng tôi rằng mặt trước của Lumia 630 rất giống mặt trước của một chiếc iPhone 5c với tấm màn trước đen từ đầu tới chân và bao bên ngoài là một sợi màu rất mảnh bo tròn 4 góc.
Đó là một số nét chính ở thiết kế bao quát của Lumia 630, ngoài ra 1 số đặc điểm phụ về thiết kế chúng tôi sẽ liệt kê nhanh như sau:
+) Cụm phím cứng nằm bên cạnh phải của máy được thiết kế lực bấm nặng nên khó bị bấm nhầm.
+) Mặt lưng là lớp nhựa ngoài bóng và mềm nên bám tay và khó lộ vết trầy xước nếu có.
+) Khu vực loa ngoài không có lưới chắn bụi nên nhiều hạt bụi có gốc là sắt sẽ bị hút vào phần từ trường của loa nếu không vệ sinh cẩn thận có thể gây rách màng bảo vệ loa.
Bị cắt giảm cụm cảm biến mặt trước bao gồm cảm biến tiệm cận và cảm biến ánh sáng nên gây khó khăn trong trải nghiệm về lâu dài mà chúng tôi sẽ trình bày trong phần trải nghiệm.
Hiệu Năng
Với cấu hình sơ lược như bên dưới chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm 1 số ứng dụng thường sử dụng để người dùng tự đánh giá hiệu năng của Lumia 630 so sánh với những chiếc smartphone của chính các bạn.
Cấu hình sơ lược:
- SoC: Qualcomm Snapdragon 400
- CPU: Lõi tứ 1.2 GHz Cortex-A7
- GPU: Adreno 305
- RAM 512 MB
Chất lượng sản phẩm
Màn hình
Màn hình là phần đầu tiên phải nói tới ở Lumia 630, không phải vì nó quá sắc nét hay vì độ phân giải quá cao mà điểm cần được nhắc tới đó là lớp kính bảo vệ Gorilla Glass 3 đã từng xuất hiện trên các dòng Flagship của tất cả các hãng điện thoại lớn nhỏ khác và thứ 2 là công nghệ Clear Black giúp hiển thị dưới nắng rất tốt đã từng được rất nhiều người kiểm chứng trên các sản phẩm cao cấp khác của Nokia.
Đây là 2 thứ đã bị loại bỏ trên hầu hết các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ bao gồm cả Lumia 520 và Lumia 525 trước đó, và trên thực tế khi sử dụng Lumia 630 trong điều kiện thông thường suốt 1 tuần, sản phẩm chưa xuất hiện vết xước nào.
Ngoài ra công nghệ Clear Black không chỉ giúp Lumia hiển thị tốt dưới ánh nắng mà nó còn tạo ra độ bão hòa màu rất tốt trên màn hình do màu đen rất sâu và chân thực.
Dưới đây là hình ảnh hiển thị trên màn hình của Lumia 630 so sánh cùng Zenfone 4:
Hiển thị hình ảnh trên Zenfone 4 và Lumia 630.
Đây là hình ảnh được hiển thị trên Lumia 630 khi đặt dưới ánh nắng chiếu trực tiếp:
Hiển thị dưới năng của Nokia 630 và iPhone 4.
Camera
Sức mạnh của camera trên Lumia 630 không đến từ phần cứng bởi nó không được hỗ trợ công nghệ gì đặc biệt so với các sản phẩm giá rẻ khác, thậm chí cả Flash tích hợp cũng đã bị Nokia loại bỏ nên có thể thấy rằng chúng ta không thể hy vọng gì quá nhiều vào Camera trên Lumia 630.
Thế nhưng cứu cánh của vấn đề trên lại nằm ở phần mềm, ứng dụng chụp ảnh cài sẵn như Nokia Camera cho phép người dùng tùy chỉnh rất sâu vào thông số chụp bao gồm cả những yếu tố có thể quyết định được chất lượng hình ảnh như tốc độ màn trập.
Nhưng tất nhiên cách giảm tốc độ màn trập để ánh sáng vào nhiều hơn chỉ áp dụng được khi chụp tĩnh vật và có chân máy nên nó không phải là điểm cộng quá lớn của Lumia 630.
Dưới đây là 1 số hình ảnh chụp từ Lumia 630:
Một số vấn đề phát sinh trong trải nghiệm thực tế
Vấn đề phát sinh này nằm ở việc Nokia đã cắt giảm hoàn toàn cụm cảm biến mặt trước và ảnh hưởng lớn nhất nằm ở cảm biến tiệm cận giúp máy phát hiện được có vật cản phía trước màn hình hay không.
Cảm biến tiệm cận có một chức năng phổ biến nhất đó là giúp màn hình tắt đi khi đang áp điện thoại trên tai để tránh những lệnh sai do tai cũng tương tác được trên màn hình cảm ứng như ngón tay.
Ở Lumia 630 công nghệ này được thay thế bằng cách dùng màn hình cảm ứng để nhận diện khi máy được áp lên tai, lúc này vùng da trên tai chạm vào vùng cảm ứng phía trên của máy sẽ tạo ra được một lệnh làm màn hình tắt đi.
Tất nhiên công nghệ đó chỉ thay thế cho ứng dụng lớn nhất của cảm biến tiệm cận, nhưng ngoài việc tắt màn hình cảm biến này còn 1 số tác dụng mà ít người để ý đó là tránh những thao tác nhầm khi máy đang trong túi quần.
Còn trên 630 khi cụm cảm biến này không còn, việc màn hình bị bật và mở màn hình khóa trong túi quần xảy ra tương đối nhiều và người dùng chỉ nhận ra khi cảm thấy máy hơi ấm lên.
Ngoài ra, cảm biến đo sáng mất đi cũng đồng nghĩa với việc mất khả năng tự điều chỉnh độ sáng màn hình trong các điều kiện sáng tối khác nhau của môi trường, tuy nhiên điều này ảnh hưởng không nhiều tới trải nghiệm thực tế.
Pin, vấn đề của mọi smartphone
Dù cho sản phẩm của các hãng sản xuất có tốt tới đâu, có áp dũng những công nghệ cao siêu gì thì cuối cùng nó sẽ vẫn phải đảm bảo được một vấn đề chưa có cách giải quyết trên smartphone đó là thời gian sử dụng. Một sản phẩm cao cấp có tầm giá hơn 15 triệu đồng khi ra mắt sẽ dễ dàng hạ giá xuống còn dưới 5 triệu chỉ vì 1 vấn đề của viên Pin với ví dụ điển hình là Blackberry Z10 không trụ hết 1 ngày làm việc bình thường và hậu quả thì ai cũng thấy.
Dung lượng 1830 mAh cho phép Lumia 630 hoạt động thoải mái trong 1 ngày.
Rất may, Lumia 630 đã vượt qua được giới hạn 1,5 ngày làm việc khá dày đặc với các loại kết nối được bật thường xuyên. Đó là một mốc khá đối với những smartphone đang có mặt trên thị trường nên người dùng có thể không còn phải quan tâm tới vấn đề Pin của Lumia 630.
Trong một thử nghiệm thực tế xem phim HD 720 Online trong 1 tiếng (1 ứng dụng tiêu tốn pin rất nhanh trên các smartphone) thì pin của Lumia 630 tụt từ 40% tới 18%. Tất nhiên kết quả chỉ mang tính tham khảo do chỉ số % pin không đồng đều.
Tổng kết
Hiện tại Lumia 630 được bán chính hãng trên toàn quốc với mức giá 3,5 triệu đồng. Trong tầm giá này thì tính năng được đánh giá cao nhất là tấm bảo vệ màn hình Gorilla Glass 3 và công nghệ Clear Black độc quyền của Nokia. Với mức giá 3,5 triệu đồng các bạn có thể tham khảo thêm 1 số sản phẩm khác như Zenfone 5 (3,99 triệu), Nokia XL (4 triệu), HTC Desire 310 (3,9 triệu),Samsung Galaxy Trend Plus (3,49 triệu), Samsung Galaxy Ace 3 (3,39 triệu).
Nguồn : genk